Thẳng tay bán Mercedes để mua xe chở ATM gạo, cha đẻ ATM gạo tuyên bố: sẽ chống dịch đến đồng tiền cuối
Chia sẻ về lý do bán xe Mercedes của mình để mua xe bán tải chở ATM gạo, cha đẻ của máy ATM Gạo chia sẻ: "Mình đi xe bán tải hay xe công nghệ cũng vậy thôi. Chỉ cần đất nước đang cần thì mình sẽ cố gắng để làm được" và tuyên bố "sẽ chống dịch đến đồng tiền cuối cùng".
“ATM gạo” giờ đây đã trở thành hình tượng quen thuộc đối với người dân từ tháng 4/2020, khi TPHCM giãn cách lần đầu tiên cho đến nay. “ATM gạo” là phát minh của anh Hoàng Tuấn Anh, Giám đốc Công ty PHGLock. ATM gạo của anh đi nhiều nơi, dừng lại tại những địa phương Covid-19 bùng phát, hoặc lũ lụt hoành hành, để đảm bảo bữa cơm cho mọi người.
Với đợt dịch tái bùng phát này tại TP.HCM, nhiều người lâm vào cảnh khó khăn, thậm chí thiếu ăn thiếu mặc vì bí lối mưu sinh. Chính vì thế, “ATM gạo” được anh Tuấn Anh chính thức cho tái hoạt động trở lại giúp đỡ bà con.
Trong đợt tái xuất này, cây ATM gạo đầu tiên được đặt tại Trường mầm non Bông Sen (số 2/2 Thạnh Lộc 29, phường Thạnh Lộc, quận 12), để hỗ trợ chủ yếu cho bà con trong khu phong tỏa.
Sắp tới, cha đẻ của máy “ATM gạo” cho biết sẽ hướng tới giúp đỡ những người lao động khác như: bán vé số, nhặt ve chai hay bất kỳ ai đang thiếu thốn, khó khăn trong mùa dịch.
Theo chia sẻ của anh, anh đã suy nghĩ về việc thay đổi quy cách sử dụng ATM gạo vì đợt dịch này tốc độ lây lan và nguy hiểm lớn hơn những lần trước, tính trên địa bàn TP,HCM. Để giải quyết vấn đề đó, anh đã nhanh chóng nâng cấp máy ATM Gạo với công suất 2 người nhận được gạo cùng 1 lúc, đảm bảo giãn cách đúng quy định, tránh quy tụ đám đông, ùn ứ nếu chỉ có nhận gạo 1 bên như trước đây.
Cụ thể, ATM gạo sẽ được thu nhỏ, thiết kế gọn gàng, linh động để có thể đặt được trên ô tô bán tải. Máy cũng được cải tiến để gạo chảy ra đều hơn và nhanh hơn khi gạo được châm đầy vào máy. Anh Tuấn Anh cùng những người đồng hành của mình sẽ lái xe đến từng khu phố, con hẻm để phát gạo cho những người đang cần.
“Hiện giờ khi có dịch sẽ không cách ly cả thành phố nữa, mà cách ly từng điểm nhỏ, như vậy rất cần thiết cho mọi người cần được no bụng ở những khu vực đó. Mình đang kết hợp với Thành Đoàn TP.HCM để xem có hướng nào cung cấp gạo cho những điểm nhỏ đó hay không. Có thể sẽ làm ở một điểm bên ngoài khu giãn cách xã hội. Những người làm công việc ngoài đường như bán vé số, lượm ve chai… ở thời điểm này họ sẽ không có công ăn việc làm. Mình sẽ suy nghĩ làm điểm nào phù hợp nhằm đảm bảo giãn cách xã hội”.
Để thực hiện được điều đó, với sự trở lại lần này là việc anh đã bán đi chiếc Mercedes gắn bó với mình suốt 5 năm chỉ vì lý do muốn mua một chiếc xe bán tải để phục vụ việc chở ATM gạo đi dễ dàng hơn. Ngoài ra điều này cũng nằm trong kế hoạch dự kiến là ATM Gạo lưu động, có lẽ cách vận hành sẽ như ATM khẩu trang, gạo sẽ đến được bất kỳ nơi nào người dân cần.
Anh cho biết, quyết định bán chiếc xe của mình là một phần vì đoạn này anh không có dư dả gì nhiều, lợi nhuận công ty được dồn hết vào các chiến dịch, anh không thể bỏ tiền mua thêm xe. Nhưng quan trọng hơn cả, với anh xe chỉ là phương tiện để di chuyển, không quan trọng và cũng không thể nào so sánh với những việc cấp bách khác, đặc biệt là cứu giúp người khó khăn.
“Từ khi làm ATM gạo, suy nghĩ của mình thay đổi nhiều lắm. Mình đặt nhẹ vật chất hơn rất nhiều. Với mình bây giờ, cảm giác lâng lâng vui sướng khi kiếm được 5 tỷ, 10 tỷ đồng cũng không bằng cảm giác hạnh phúc khi nhìn thấy hàng trăm hàng ngàn người khó khăn được nhận gạo”, vị giám đốc trẻ chia sẻ trong sự xúc động.
Anh cũng nói thêm đầy nhiệt huyết: “Tôi sẽ chống dịch đến đồng tiền cuối cùng. Vì chỉ khi nào đất nước không còn dịch bệnh, mỗi người dân chúng ta mới thực sự được bình yên”
Anh hy vọng những hạt gạo tình thương nhỏ bé này phần nào lấp đầy bữa ăn của những mảnh đời khốn khó. Đó chính là niềm vui và hạnh phúc lớn nhất của anh Hoàng Tuấn Anh lúc này.
Theo diadiemanuong.com
Xem thêm